Lập di chúc nhưng không cho phép bán di sản có được không?
30/10/2023 56 lượt xemTheo quy định tại Điều 609 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, mỗi cá nhân đều được pháp luật công nhận quyền lập di chúc để thực hiện ý nguyện về tài sản của mình sau khi qua đời. Điều này đồng nghĩa với việc người để lại di sản hoàn toàn có quyền quyết định việc thừa kế tài sản của họ sẽ diễn ra như thế nào và không ai có thể can thiệp vào ý chí này.
Việc lập di chúc trong trường hợp không cho phép bán di sản sẽ được xem xét trên hai trường hợp như sau:
1. Di sản là nhà đất dùng vào việc thờ cúng
Trong di chúc nếu người để lại di sản thừa kế nêu rõ nhà, đất được sử dụng vào việc thờ cúng thì nhà, đất đó không được chia thừa kế, đồng thời người được chỉ định quản lý nhà đất đó không được chuyển nhượng, tặng cho…( Theo quy định tại Khoản 1 Điều 645 Bộ Luật Dân sự năm 2015)
Ngoài ra, Khoản 4 của Điều 626 trong Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ ràng về quyền của người lập di chúc trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Việc giao nghĩa vụ ở đây có thể bao gồm việc chỉ định mục đích sử dụng tài sản trong di chúc, đồng thời cũng có khả năng cấm bán tài sản đó nếu như người để lại muốn giữ gìn tài sản cho mục đích thờ cúng và tôn giáo.
– Đối với việc quản lý di sản và tài sản trong di chúc, Luật Đất đai cũng đưa ra quy định rõ ràng. Sau khi tiến hành khai nhận di sản thừa kế, người thừa kế có quyền tiến hành đăng ký biến động đất đai tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và ghi nhận quyền sử dụng đất của họ trên Giấy chứng nhận. Từ đó, họ hoàn toàn có quyền quyết định việc sử dụng và chuyển nhượng đất theo ý muốn của mình, bao gồm cả việc tặng hoặc bán đất đó cho người khác.
– Do đó, để đảm bảo rõ ràng và thực hiện ý nguyện của người lập di chúc về việc tài sản không được phép bán đi, một phương án tối ưu là chỉ định một phần di sản cho mục đích thờ, cúng và giao cho một người quản lý có trách nhiệm giữ gìn và đảm bảo việc sử dụng tài sản theo ý muốn của người để lại. Việc này giúp bảo vệ tính pháp lý và đảm bảo thực hiện đúng ý nguyện của người có di sản sau khi họ qua đời.
2. Di sản là nhà đất không dùng vào việc thờ cúng
Trong trường hợp di chúc người để lại di sản không nêu rõ nhà, đất sử dụng vào việc thờ cúng mà chỉ có ý nguyện không được chuyển nhượng, tặng cho thì khi đó chỉ thể hiện mong muốn, nguyện vọng của người để lại di sản.
– Căn cứ theo quy định tại Luật Đất đai 2013, khi tiến hành khai nhận di sản thừa kế xong, họ sẽ tiến hành đăng ký biến động đất đai (Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013) sau 30 ngày kể từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế (Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013) tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và ghi nhận thành quyền sử dụng đất của họ trên Giấy chứng nhận. Theo đó, họ hoàn toàn có quyền quyết định sử dụng mảnh đất này, muốn chuyển nhượng hay tặng cho ai cũng là quyền quyết định của họ. Bởi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không ghi nhận điều kiện di sản thừa kế được nhận không được phép bán đi.
Như vậy, việc lập di chúc để quy định cụ thể về việc sử dụng nhà, đất vào mục đích thờ cúng là một cách hiệu quả để đảm bảo tính pháp lý và tránh những tranh chấp xung quanh di sản sau này. Nhưng cần chú ý rằng những quy định trong di chúc này sẽ cắt giảm quyền thừa kế thông thường và hạn chế các giao dịch liên quan đến tài sản nhà, đất của người được chỉ định để quản lý, nhằm duy trì mục đích thờ cúng được nguyên vẹn và thực hiện đúng ý nguyện của người lập di chúc.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Văn phòng Tư vấn và Hỗ trợ Doanh nghiệp
Địa chỉ: Sảnh 1, Tầng trệt Trung tâm Hành chính Tỉnh, số 36 Trần Phú, Phường 4, Tp. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 0918.415.277 – 0987.332.188 – 0918.255.499
Email: vanphongtuvandoanhnghiepld@gmail.com
Website: luatsulamdong.com