Hồ sơ làm sổ đỏ đất phi nông nghiệp 2023 như thế nào?


1. Đất phi nông nghiệp là gì? Hồ sơ làm sổ đỏ đất phi nông nghiệp như thế nào?

Đất phi nông nghiệp là nhóm đất không sử dụng với mục đích làm nông nghiệp và không thuộc các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng (Theo khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013)

Để làm sổ đỏ đất phi nông nghiệp bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK. (Theo điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT)

– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

– Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho đất thì phải nộp một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

2. Thủ tục làm sổ đỏ đất phi nông nghiệp 2023 thế nào?

Căn cứ theo điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thủ tục giải quyết hồ sơ làm sổ đỏ đất phi nông nghiệp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ:

– Nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định và nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã (phường, xã, thị trấn) hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

+ Trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được thực hiện như sau:

– Kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ từ chối nhận hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu thực hiện theo đúng quy định;

– Ghi thông tin tiếp nhận hồ sơ vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, cấp cho người yêu cầu phiếu tiếp nhận hồ sơ;

– Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành việc thẩm tra, niêm yết công khai hồ sơ theo quy định.

+Trường hợp nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được thực hiện như sau:

– Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ từ chối nhận hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu thực hiện theo đúng quy định;

– Ghi thông tin tiếp nhận hồ sơ vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, cấp cho người yêu cầu phiếu tiếp nhận hồ sơ;

– Gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến xác nhận về hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất, sự phù hợp với quy hoạch đối với trường hợp không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất và niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng nhà đất.

Bước 3: Niêm yết, xác nhận đơn

– Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các công việc như sau (theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP):

– Kiểm tra hồ sơ; xác nhận hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng tài sản gắn liền với đất so với nội dung kê khai đăng ký; xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất, sự phù hợp với quy hoạch đối với trường hợp không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất;

– Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong thời hạn 15 ngày; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 4: Giải quyết hồ sơ

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc như sau (theo quy định tại Khoản 3 Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP):

– Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);

– Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận vào đơn đăng ký.

– Cập nhật thông tin thửa đất đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).

3. Làm sổ đỏ đất phi nông nghiệp có mất phí không?

Để được cấp sổ đỏ đất phi nông nghiệp sẽ chịu các loại phí, lệ phí theo quy định: lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ đỏ, phí thẩm định hồ sơ,…

– Căn cứ theo Điều 5 và Điều 6 Nghị định 140/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận tính theo công thức sau:

Lệ phí trước bạ = (giá 1m2 đất tại Bảng giá đất x Diện tích) x 0.5%.

– Theo Khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quyết định nên mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau.

4. Thời hạn làm sổ đỏ của đất phi nông nghiệp thế nào?

Thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP)

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Văn phòng Tư vấn và Hỗ trợ Doanh nghiệp

Địa chỉ: Sảnh 1, Tầng trệt Trung tâm Hành chính Tỉnh, số 36 Trần Phú, Phường 4, Tp. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng

Điện thoại: 0918.415.277 – 0987.332.188 – 0918.255.499

Email: vanphongtuvandoanhnghiepld@gmail.com